Lưu trữ

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Giống lúa lai F1 thích hợp cho các tỉnh phía Nam

FOOD CROPS. Nguyễn Chí Công, Hoàng Kim chọn lọc và tổng hợp. Hiện tại Việt Nam sản xuất hàng năm 3.500 – 4.000 tấn hạt giống lúa lai F1, cung cấp 20 – 25 % tổng nhu cầu hạt giống để gieo trồng trên diện tích ước 600.000 ha lúa lai mỗi năm. Lúa lai thương phẩm được phát triển mạnh ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Năng suất bình quân đạt 6,0 – 6,5 tấn/ha, cao hơn lúa thuần 15 – 20 %. Các tổ hợp đang được sử dụng phổ biến gồm Bác ưu 903, Bác ưu 64, Shan ưu quế 99, Nhị ưu 63, Nhị ưu 838, TH3-3, VL20, HYT 83... Tổng kinh phí khuyến nông dành cho lúa lai là 15 tỷ đồng từ năm 1991 đến năm 2006, kinh phí khuyến nông hỗ trợ sản xuất hạt giống khoảng 52 tỷ đồng từ năm 1994 – 2007. Các vùng chuyên sản xuất hạt giống đã được hình thành tại Nam Định, Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Nam, Đắc Lắc... Các giống lúa lai nhiệt đới đang được ưa chuộng ở các tỉnh phía Nam trong vài năm gần đây là Arize B-TE1, Arize XL – 94017 (của công ty Bayer CropScience), PAC 807 (công ty Giống Cây trồng Miền Nam nhập của Ấn Độ), Bio 404 (Công ty Bioseed Việt Nam  nhập của Ấn Độ).
Lúa là cây lương thực chính tại Việt Nam, cung cấp lương thực và là ngành sản xuất truyền thống trong nông nghiệp. Mục tiêu sản xuất lúa đến năm 2010 là duy trì diện tích trồng lúa ở mức 3,96 triệu ha, sản lượng đạt 40 triệu tấn, cao hơn năm 2003 là 5,5 triệu tấn (Thủ tướng Chính phủ, quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/ 2005). Để đạt được mục tiêu trên, khả năng mở rộng diện tích không nhiều, và có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái, do vậy chủ yếu phải tăng năng suất. Giống là một biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất hiệu quả nhất. Sử dụng ưu thế lai của cây lúa để tạo ra những giống lai F1 năng suất cao đang được nghiên cứu và sử dụng trong những năm gần đây.

Việt Nam bắt đầu nghiên cứu lúa ưu thế lai vào năm 1983. Lúa lai thương phẩm được gieo trồng tại Việt Nam từ những năm 1991. Lúa lai đã thể hiện được ưu thế về: tiềm năng năng suất, chịu thâm canh và khả năng chống chịu sâu bệnh. Diện tích lúa lai tăng lên nhanh chóng từ 59 ha năm 1991 lên 584.000 ha năm 2006 Động lực thúc đẩy phát triển lúa lai với tốc độ nhanh là sự kết hợp của ba yếu tố: tiềm năng ưu thế lai cao về năng suất, sự quan tâm của lãnh đạo và chính sách hợp lý của Nhà nước.

Lúa lai từ khi du nhập vào Việt Nam đã phát triển vượt bậc thúc đẩy nhu cầu sản xuất giống. Diện tích sản xuất hạt giống lúa lai đã tăng từ 123 ha năm 1994 lên 1.430 ha năm 2007. Năng suất hạt giống lúa lai F1 ở Việt Nam đạt khoảng 2,0 tấn/ha, kỷ lục đạt 3,5 – 4,0 tấn/ha tại Nam Định, trên tổng số 1500 – 2000 ha/ năm. Hiện tại Việt Nam sản xuất ra 3.500 – 4.000 tấn hạt lai F1/năm; cung cấp 20 – 25 % tổng nhu cầu hạt giống. Lúa lai thương phẩm được phát triển mạnh ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Năng suất bình quân đạt 6,0 – 6,5 tấn/ha, cao hơn lúa thuần từ 15 – 20 %. Các tổ hợp đang được sử dụng gồm Bác ưu 903, Bác ưu 64, Shan ưu quế 99, Nhị ưu 63, Nhị ưu 838, TH3-3, VL20, HYT 83. Tổng kinh phí khuyến nông dành cho lúa lai là 15 tỷ đồng từ năm 1991 đến năm 2006, kinh phí khuyến nông hỗ trợ sản xuất hạt giống khoảng 52 tỷ đồng từ năm 1994 – 2007. Các vùng chuyên sản xuất hạt giống được hình thành như Nam Định, Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Nam, Đắc Lắc.

Qua 19 năm (1991 – 2010) công nghệ lúa lai đưa vào Việt Nam, Lúa lai đã có chỗ đứng khá bền vững, nông dân chấp nhận, góp phần đưa công nghệ trồng lúa của Việt Nam vươn tới trình độ cao của khu vực. Lúa lai không chỉ phát triển ở các tỉnh phía Bắc, mà hiện tại đã phát triển mạnh ở các khu vực khác mà trước đây chúng ta cho rằng không thể phát triển như Đồng bằng sông Cửu Long. Một số giống lúa lai nhiệt đới của một số công ty Bayer, Giống Gây trồng Miền Nam, Bioseed,…đã đưa ra thị trường và được ưa chuộng trong vài năm gần đây. Sau đây xin giới thiệu một số đặc tính các giống lúa lai nổi bật ở phía Nam

1. ARIZE B-TE1 – Sự đột phá hoàn hảo
Nguồn gốc: Giống lúa lai Arize B-TE1 là giống lúa lai F1 ba dòng do công ty Bayer CropScience sản xuất và được công nhận giống quốc gia từ tháng 07/2007 cho các tỉnh phía Nam và công nhận cho các tỉnh phía Bắc từ tháng 3/2008 cho tất cả các vụ trong năm (Ảnh giống lúa Arize B-TE 1 của Nguyễn Sang báo Nông nghiệp Việt Nam)
Đặc tính chủ yếu:
+ Năng suất cao hơn lúa thường khoảng 20% trong cùng điều kiện canh tác
+ Hạt thon nhỏ, gạo chất lượng cao, cơm mềm, thơm nhẹ, chất lượng nấu ăn tốt, được chấp nhận cao
+ Kháng bệnh đạo ôn tốt (cấp 1), kháng rầy nâu trung bình
+ Hạt gạo dài 6,4 – 6,5 mm
+ Tiềm năng năng suất (năng suất lý thuyết) trên 10 tấn/ha tại ĐBSCL nếu thâm canh tốt
+ Thời gian sinh trưởng (TGST): ở miền Nam vụ Đông xuân: 100 – 107 ngày; Hè thu: 105 – 110 ngày (lúa sạ, lúa cấy cộng thêm 5 – 7 ngày nữa); ở miền Trung và Cao Nguyên: Đông xuân: 110 – 115 ngày; Hè thu: 105 – 110 ngày (lúa sạ, lúa cấy cộng thêm 5 – 7 ngày nữa)
+ Lượng giống gieo: 3 – 5 kg/ 1.000 m2 (30 – 50 kg/ha) đối với lúa sạ. Tốt nhất 35 kg/ha
+ Năng suất đạt 8 – 10 tấn/ha. Theo kết quả sản xuất của nông dân ĐBSCL vụ Đông xuân 2007-2008 nếu thâm canh tốt, quản lý sâu bệnh tốt có thể đạt trên 12 tấn/ha
+ Nhược điểm:  Hạt B-TE1 ngắn và nhỏ vì thế không đáp ứng cho xuất khẩu, TGST hơi dài nên khó áp dụng cho vùng canh tác ba vụ lúa trên năm

2. ARIZE XL 94017 hạt dài ngon cơm


Nguồn gốc: Arize XL – 94017 là giống lúa lai F1 ba dòng do công ty Bayer CropScience, chi nhánh Ấn Độ chọn tạo, đã được Bộ NN và PTNN công nhận giống tháng 1/2009 cho các tỉnh Nam Bộ và Trung Bộ (ảnh giống lúa Arize XL -94017 nguồn Đồng hương Bình Định
Đặc tính chủ yếu:
+ Năng suất cao hơn lúa thường khoảng 20% trong cùng điều kiện canh tác
+ Hạt thon dài 7,3 – 7,4 mm, gạo chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu
+ Kháng đạo ôn tốt (cấp 2), chống chịu rầy nâu trung bình (cấp 5)
+ Tiềm năng năng suất (năng suất lý thuyết) trên 10 tấn/ha tại ĐBSCL nếu thâm canh tốt
+ Chiều cao cây 100 – 105 cm, lá đứng, xanh, cứng cây, chống đổ ngã, bông dài nhiều hạt
+ Thời gian sinh trưởng: ở miền Nam: Đông xuân: 103 – 105 ngày; Hè thu: 108 – 110 ngày (lúa sạ, lúa cấy cộng thêm 5 – 7 ngày nữa), miền Trung và Cao nguyên: Đông xuân: 115 – 120 ngày; Hè thu: 110 – 115 ngày (lúa sạ, lúa cấy cộng thêm 5 – 7 ngày nữa)
+ Lượng giống gieo: 3 – 5 kg/ 1.000 m2 (30 – 50 kg/ha) đối với lúa sạ, tốt nhất 35 kg/ha
+ Nhược điểm: TGST hơi dài nên khó áp dụng cho vùng canh tác ba vụ lúa trên năm

3. PAC 807


Nguồn gốc: PAC 807 là tổ hợp lúa lai hệ ba dòng, nguồn gốc Ấn Độ, nhập nội bởi Công ty Cổ phần Giống Cây trồng Miền Nam (SSC), được công nhận là giống quốc gia năm 2007 (Ảnh giống PAC 807 của công ty Ấn Độ)
Đặc tính chủ yếu:
+ Thấp cây 85 - 95 cm, đẻ nhánh khỏe, bông to (180-200 hạt chắc /bông), hạt gạo dài, trong, không bạc bụng, cơm nở mềm, ngon. Trọng lượng 1.000 hạt 24 g.
+ Năng suất 7 – 8 tấn/ha, cao hơn lúc thuần 10 – 15 % (thâm canh tốt đạt 10 - 11 tấn/ha). TGST ngắn 85 – 90 ngày. Đặc biệt chống chịu tốt rầy nâu, đạo ôn và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá
+ Trồng được ở các tỉnh phía Nam (từ Quảng Nam trở vào). Hiện đang trồng phổ biến ở các tỉnh Kiên Giang, Long An, Cần Thơ và Bình Định

4. Bio 404


Nguồn gốc: Bio 404 là tổ hợp lúa lai hệ ba dòng do Ấn Độ lai tạo, được Công ty Bioseed Việt Nam nhập nội và sản xuất hạt giống (Ảnh giống lúa lai Bio 404  của Quang Huy, báo điện tử Quảng Ngãi)
Đặc tính chủ yếu:
+ TGST vụ xuân từ 120 – 125 ngày, Bio 404 có khả năng chống đổ tốt, nhiễm bệnh khô vằn nhẹ, chiều cao cây từ 105 – 110 cm, đẻ nhánh khoẻ, tập trung, dạng hình cây gọn, lá màu xanh nhạt, bông to, nhiều hạt, trung bình 176 hạt/bông.
+ Năng suất bình quân 8,05 tấn/ha
+ Bio 404 thích hợp cho cả vùng từ Bình Định trở ra phía Bắc và phía Nam

*Lưu ý: Không dùng lúa thịt để làm giống vụ sau, năng suất không đảm bảo vì không còn ưu thế lai. Hạt giống đã được sử dụng hóa chất nên không được sử dụng cho người và gia súc, gia cầm
Nguyễn Chí Công – chicong1002@gmail.com

Tin liên quan:
Lúa lai- tôm sú mô hình canh tác hiệu quả
Báo Nông nghiệp Việt Nam


Lúa lai B-TE1 của Cty Bayer Việt Nam đã chứng minh được ưu thế của mình và đã được đại đa số nông dân vùng ĐBSCL chấp nhận vì những đặc tính vượt trội như cho năng suất cao hơn lúa thường khoảng 20 – 50%, chất lượng gạo ngon, chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt kháng được đạo ôn- một bệnh nguy hiểm trong vụ đông xuân… Tuy nhiên giống có thời gian sinh trưởng hơi dài, khoảng 100 – 107 ngày trong điều kiện lúa sạ nên bà con phải bố trí đồng loạt trong cơ cấu 2 vụ lúa/năm.
Một mô hình canh tác mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân tại ĐBSCL là trồng lúa trên vuông tôm, theo cơ cấu một vụ tôm, một vụ lúa. Tại các huyện ven biển của tỉnh Kiên Giang như An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng… và một số huyện của các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… nông dân đã áp dụng mô hình lúa lai B-TE1 trên vuông tôm khá thành công. Sau một vụ nuôi tôm, khi nước đã chuyển ngọt, bà con sẽ trồng lúa, thông thường bà con sử dụng các giống lúa mùa địa phương có thời gian sinh trưởng khá dài, khoảng 120 – 140 ngày như giống Một Bụi Đỏ. Trồng lúa trên vuông tôm không chịu sức ép thời gian nên rất thích hợp cho lúa lai Arize B-TE1 phát triển.
Chúng tôi có một chuyến khảo sát thực tế tình hình trồng lúa lai tại các huyện ven biển của tỉnh Kiên Giang, thấy bà con ở đây rất phấn khởi với mô hình lúa (B-TE1) – tôm. Theo nhận xét của một số bà con nông dân trong khu vực này, lợi nhuận từ mô hình canh tác lúa lai trên ruộng tôm mang lại là khá cao, có thể tới 20 triệu đồng/ha. Ông Phan Văn Nậu, ở ấp Nam Quí, xã Nam Thái, An Biên, Kiên Giang, là người đầu tiên trồng lúa lai B-TE1 tại huyện An Biên. Ban đầu khi được giới thiệu về lúa lai B-TE1, tất cả đều mới lạ đối với người dân ở đây nhưng riêng ông đã mạnh dạn trồng thử 1 công vào vụ đông xuân 2006/07. Kết quả cho thu hoạch được 8 tấn/ha. Đến vụ hè thu 2007 ông mạnh dạn mở rộng diện tích lúa lai B-TE1 lên hết đất nhà 7 ha và thu hoạch với năng suất trung bình 7,2 tấn/ha trong khi năng suất lúa thường tại địa phương chỉ đạt được khoảng 3 – 3,5 tấn/ha. Vụ đông xuân 07/08 ông tiếp tục trồng lúa lai Arize B-TE1 trên toàn bộ diện tích đất nhà và khuyến cáo bà con trong khu vực trồng giống lúa này.
Ông Phan Văn Giang, nhà ở ấp Bờ Lờ B, xã Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Thuận, Kiên Giang bắt đầu trồng lúa lai Arize B-TE1 vụ đông xuân sớm 2007 trên chân đất trồng lúa mùa Một Bụi Đỏ, mật độ sạ chỉ 30 kg/ha. Theo ông thì chi phí cho canh tác lúa lai Arize B-TE1 thấp hơn nhiều so với lúa mùa vì lúa mùa phải gieo mạ cấy, trong khi lúa lai dùng phương pháp sạ thẳng. Chi phí phun xịt thuốc và bón phân cho lúa lai cũng nhẹ. Năng suất lúa lai Arize B-TE1 đạt được rất cao, vụ này ông thu hoạch được 45 giạ trên 1 công tầm lớn (khoảng 7 tấn/ha), trong khi năng suất lúa mùa chỉ đạt được 15 – 20 giạ (khoảng 2,2 – 3 tấn/ha) vì bị nhiễm rầy nặng. Giá bán lúa lai thương phẩm cũng khá cao, nông dân thu lời khá bằng mô hình canh tác này.
Theo ông Hải - chủ doanh nghiệp xay xát gạo Hoàng Đức 2 ở Vĩnh Hòa Hiệp, Châu Thành, Kiên Giang, hiện nay ông đang tìm thu gom mua lúa lai Arize B-TE1 thương phẩm xay xát để xuất qua thị trường huyện đảo Phú Quốc. Ông cho biết hiện nay loại gạo này rất được người tiêu dùng ưa chuộng vì chất lượng gạo ngon, thơm nhẹ, cơm mềm, dẻo… Trong thời gian tới ông sẽ thu mua với số lượng lớn để đẩy mạnh ra thị trường Phú Quốc vì gạo Arize B-TE1 đồng nhất không có pha trộn các loại gạo khác như hiện nay tại thị trường phía Nam.
Vụ đông xuân 07/08, diện tích lúa lai Arize B-TE1 tại Kiên Giang trong vùng canh tác lúa-tôm đạt khoảng 1.500 ha; Cà Mau có khoảng 3.000 ha tại huyện Trần Văn Thời…, đây mới chỉ là con số khá khiêm tốn so với diện tích lúa rất lớn tại các khu vực trên. Tuy nhiên đây mới là vụ đầu tiên Arize B-TE1 được Bộ NN-TNT cho phép sản xuất đại trà nên trong những vụ tới, chắc chắn mô hình trồng lúa lai sẽ được nhân rộng trên chân đất lúa- tôm trong khu vực.
Có thể nói lúa lai Arize B-TE1 của Cy Bayer Việt Nam đã làm thay đổi quan điểm của cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp nhiều nơi, đặc biệt tại tỉnh Kiên Giang khi ban đầu giống ít được đón nhận vì họ nghĩ rằng lúa lai năng suất không ổn định. Qua thực tế chứng minh bằng mô hình canh tác tôm- lúa lai này, nông dân thu lợi nhuận rất cao. Đây là mô hình canh tác rất tốt vừa hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo sinh thái nên những vùng có điều kiện cần mạnh dạn khuyến cáo bà con nông dân áp dụng.

Phát triển giống lúa lai Arize XL 94017
Báo Đồng hương Bình Định

Trong vài năm gần đây, nông dân tại nhiều địa phương có phong trào sản xuất lúa lai mạnh ở Bình Định rất thích giống lúa lai Arize XL 94017 (Công ty Bayer VN) không chỉ bởi tính kháng bệnh và năng suất cao mà còn vì chất lượng gạo của nó.

An Nhơn là 1 huyện trọng điểm lúa của tỉnh Bình Định, diện tích SX lúa hằng năm đạt từ 18.000-19.999 ha, chiếm 80% diện tích gieo trồng. Đây cũng là huyện đi đầu trong việc đưa các giống lúa lai vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Ông Nguyễn Thành Minh - Trưởng phòng Kinh tế huyện An Nhơn cho biết: "Vụ đông xuân 2009-2010 An Nhơn SX hơn 7.100 ha lúa, trong đó có 1.600 ha lúa lai. Thực tế cho thấy những diện tích nông dân gieo sạ các lúa thuần ngày càng gặp khó khăn bởi có một số giống đã đạt "kịch trần" năng suất và ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm như: Độ đồng đều thấp và không kháng được sâu bệnh gây hại.

Do đó, trong nhiều năm qua huyện không ngừng tìm tòi, làm khảo nghiệm nhiều loại giống lúa lai để xác định các loại giống cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, kháng được sâu bệnh và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt để kịp thời đưa vào cơ cấu bộ giống SX trên chân 2 vụ lúa/năm nhằm tăng cao năng suất trên cùng diện tích. Sau 3 năm SX giống lúa Arize XL 94017 của Cty Bayer VN chúng tôi ghi nhận: Đây là giống có xuất xứ từ Ấn Độ, một xứ sở oi nóng nên giống Arize XL 94017 chẳng những thích nghi trong vụ ĐX ở Bình Định mà còn thích ứng với cả vụ thu vì đặc tính chịu nắng nóng của nó. Năng suất trong các vụ ĐX là gần 88 tạ/ha và vụ thu là hơn 90 tạ/ha".

Ông Phan Văn Khiêm - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Tuy Phước cho biết thêm: "Trong những năm qua, Tuy Phước không ngừng đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu mùa vụ từ SX 3 vụ sang còn 2 vụ lúa/năm nên luôn khao khát các giống lúa lai có tiềm năng năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và có chất lượng gạo ngon. Sau 3 năm sản xuất, nông dân Tuy Phước đã nhận định giống lúa lai Arize XL 94017 là loại giống hội đủ những ưu điểm trên và đang rất mê. Nông dân càng mê hơn khi hạt gạo của nó thon dài, cơm mềm, thơm ngon, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nên giá bán thường cao hơn các loại gạo khác".

Trong vụ đông xuân 2009-2010 này, trong khi các đám ruộng chung quanh đang bị dịch rầy tấn công ào ạt thì đám ruộng của tôi vẫn bình yên, chưa hề phun 1 lần thuốc nào mà cây lúa vẫn khỏe mạnh. Hiện cây lúa đã hơn 70 ngày tuổi, đang làm đòng mà với mã lúa đẹp như thế này thì năng suất cầm chắc là hơn 70 tạ/ha. Nhờ chất lượng gạo ngon nên khi bán ra thị trường luôn cao hơn các loại gạo khác từ 500-800đ/kg. Trong vụ thu 2009, sau khi tính toán chi li, sản xuất lúa lai Arize XL 94017 có lãi ròng 11 triệu đồng/ha, trong khi đó mức lãi của các giống lúa lai khác chỉ 6,5 triệu/ha". (Nông Nghiệp Việt Nam 10/3, tr17)

Giống lúa lai ngắn ngày PAC 807 cho năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt


Ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương đã phối hợp Công ty Cổ phần giống cây trồng miền Nam đưa giống lúa lai ngắn ngày PAC 807 vào gieo trồng trên diện tích 35 ha tại 4 xã: Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc), Đoàn Kết (huyện Thanh Miện), Cẩm La và Đồng Gia (huyện Kim Thành) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là giống lúa thấp cây, đẻ nhánh khỏe, bông to (180-200 hạt chắc/bông), hạt gạo dài, trong, không bạc bụng. Năng suất cao hơn lúa thuần 10-15%, đạt 7-9 tấn/ha (thâm canh tốt đạt 10-11 tấn/ha). Thời gian sinh trưởng của lúa 85-95 ngày. Đặc biệt, lúa chống chịu tốt rầy nâu, đạo ôn và bệnh vàng lùn, xoắn lá...

Công ty Cổ phần giống cây trồng miền Nam và Ban Chủ nhiệm các HTX hướng dẫn kỹ thuật, chế độ chăm sóc lúa PAC 807 cho nông dân, từ khâu ngâm ủ đến chăm bón và phòng trừ sâu bệnh. Khi gieo trồng, nông dân cần chọn đất vàn và vàn cao; khi làm đất nhặt sách cỏ dại và tàn dư của cây trồng trước; cày bừa kỹ, làm đất xong trước 3-5 ngày; 5 giờ rửa chua, thay nước một lần; phương thức cấy 1-2 dảnh/khóm. Sau gieo trồng, ruộng giữ ấm 3 ngày tiến hành phun thuốc trừ cỏ loại sofit 300 EC...

Tại huyện Gia Lộc, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Đoàn Thượng đã triển khai sản xuất 20 ha giống lúa PAC 807, cho giá trị cao. Ông Nguyễn Thế Thuần, Chủ nhiệm HTX DVNN Đoàn Thượng cho biết: Giống lúa lai ngắn PAC 807 có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với các giống lúa khác đã gieo trồng trong nhiều năm qua như: HC, Khang dân 18. Lúa lai có thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày, lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khoẻ. Công chăm sóc ít, chi phí đầu tư giảm 20% so với các giống lúa khác. Lúa không mắc bệnh bạc lá, sâu cuốn lá, thời gian ôm đòng ngắn, trổ thoát nhanh (4-5 ngày); bông to, hạt dài, chất lượng gạo ngon; năng suất hơn 7 tấn/ha.

Việc đưa giống lúa PAC 807 vào sản xuất đã giúp cho nông dân nâng cao năng suất và giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, rút ngắn thời gian để có điều kiện phát triển cây vụ đông.

Theo TTXVN

Lúa lai Bio 404 ghi điểm tại Thái NguyênBáo điện tử cpv.org.vn
Với những tính chất ưu việt sau 2 vụ đưa vào sản xuất khảo nghiệm tại 9 điểm của tỉnh Thái Nguyên, giống lúa lai Bio 404 do tập đoàn Bioseed nghiên cứu lai tạo đã chinh phục được cả các cơ quan chức năng, chính quyền và bà con nông dân địa phương.
Ông Trần Đăng Khoái (Giám đốc kinh doanh miền Bắc - công ty TNHH Bioseed Việt Nam) cho biết, giống lúa lai Bio 404 được nghiên cứu, sản xuất tại Ấn Độ trên cơ sở đáp ứng yêu cầu phục vụ bà con nông dân Việt Nam. Giống có 4 ưu điểm chính là thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, ổn định, chất lượng gạo ngon và khả năng chống chịu sâu bệnh cao. Giống được đưa vào Việt Nam từ năm 2005, đến 2007 thì được Bộ NN & PTNT công nhận tạm thời. Qua sản xuất thử nghiệm và được chính quyền, bà con nông dân các địa phương đánh giá cao, công ty Bioseed đã tính toán đến việc sản xuất giống ngay tại Việt Nam, đáp ứng đầy đủ nguồn giống cho các địa phương khi tiến hành sản xuất đại trà.
Là hộ dân tham gia mô hình trình diễn trong vụ mùa vừa qua với diện tích 8 sào, bà Vi Thị Nga (xóm Đồng Vẽn, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ) nhận xét, dù mới là vụ đầu tiên trồng lúa lai nhưng được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông nên bà thấy làm lúa lai cũng không khó khăn là bao. Thích nhất là lúa có khả năng chống đổ rất cao. Những giống từng sản xuất tại địa phương rất hay bị đổ rạp bởi địa bàn hay xảy ra lốc xoáy cục bộ.
Ông Lương Văn Dũng, một nông dân khác nói, chỉ cần nhìn đối chứng đã có thể thấy năng suất vượt trội của ruộng lúa lai Bio 404. Bà con chúng tôi rất mong mỏi được sản xuất đại trà loại giống Bio 404 tuy nhiên cũng mong chính quyền và các cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt để giảm giá giống xuống ở mức thấp nhất. Trạm khuyến nông huyện Đại Từ là đơn vị trực tiếp phối hợp triển khai sản xuất mô hình trình diễn lúa Bio 404 đã đưa ra kết quả đối chứng như sau: Lúa lai Bio 404 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn các giống HYT 100, Nhị ưu 986, Nhị ưu 838 từ 5 đến 10 ngày; khả năng chịu hạn, chống đổ, chống sâu bệnh đều cao hơn các giống đối chứng; dự kiến năng suất đạt 73,4 tạ/ha, cao hơn các giống đối chứng từ 7 đến 11 tạ/ha. Từ thực tế trên, ông Hà Văn Xuân - Phó Giám đốc Trung tâm giống cây trồng tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị đưa loại giống trên vào sản xuất xuất mở rộng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài những đặc tính vượt trội, ông Xuân cho rằng nó là cơ sở để tạo ra tính chủ động trong việc bố trí cơ cấu mùa vụ, đồng thời thay đổi phong tục tập quán canh tác của bà con nông dân. Ông Hoàng Văn Dũng - Phó giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, lúa lai Bio 404 hội tụ đủ mọi điều kiện để sản xuất đại trà tại Thái Nguyên. Ông Dũng phân tích, về cơ cấu thì hiện nay, giống lúa lai mới chiếm tỷ lệ 10% trong cơ cấu giống tại Thái Nguyên. Với mục tiêu nâng tỷ lệ giống lúa lai lên 20% trong cơ cấu giống lúa vào năm 2015, rõ ràng việc đưa giống Bio vào sản xuất mở rộng trong thời gian tới là cần thiết. Tuy vậy, ông Dũng nói, giá giống lúa lai mới này so mặt bằng chung vẫn hơi đắt, nhà cung ứng cần tính toán lại nếu muốn mở rộng diện tích.
(Theo Nông nghiệp Việt Nam)
 
Cần sớm mở rộng diện tích lúa lai ở tỉnh

Báo điện tử Quảng Ngãi

(Nông dân tham quan mô hình lúa lai Quốc hương ưu số 5, H 94017 và lúa lai Bio 404 ở Đức Nhuận, Mộ Đức). 

Những năm gần đây các đơn vị thuộc ngành NN và PTNT tỉnh và Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng và phân bón miền Trung-Tây Nguyên liên tục đưa các giống lúa lai vào sản xuất thử nghiệm ở một số địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên việc mở rộng và phát triển diện tích lúa lai vẫn chưa được nhân rộng. Vậy giải pháp nào để mở rộng diện tích lúa lai trên địa bàn tỉnh?

Vụ sản xuất hè thu năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm giống cây trồng và vật nuôi tỉnh đưa vào sản xuất giống lúa lai Bio 404 tại các huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành, Mộ Đức và Tư Nghĩa. Kết quả thu hoạch thống kê cho thấy, năng suất đều vượt trên 75tạ/ha (vượt 10 tạ/ha so với các giống lúa sản xuất đại trà như hiện nay). Đây là giống lúa được đưa vào sản xuất thử nghiệm từ vụ đông xuân 2007-2008 trên nhiều chân đất khác nhau. Qua 2 vụ sản xuất giống lúa lai Bio 404 đã khẳng định được năng suất, có ưu điểm kháng chịu sâu bệnh tốt. Tại hội nghị đầu bờ mô hình giống lúa lai Bio 404 tại xã Đức Nhuận (Mộ Đức), nhiều nông dân đi tham quan đều khẳng định, đây là giống lúa lai chất lượng gạo ngon, phù hợp với các chân đất trên địa bàn tỉnh. Nông dân cho rằng ngành nông nghiệp và các địa phương cần có chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất lúa lai để nhân rộng diện tích lúa lai trong tỉnh. Đây chính là giải pháp để góp phần nâng cao sản lượng lương thực và mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Ông Trương Quang Sinh - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hành Dũng (Nghĩa Hành) cho biết: Về lâu dài, ngành nông nghiệp cần quan tâm đến mở rộng diện tích lúa lai, bởi nhiều giống lúa lai qua sản xuất thử nghiệm đã mang lại hiệu quả năng suất rất cao. Tuy nhiên trước mắt các ngành chức năng và địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân; đồng thời chọn những vùng đất phù hợp để mở rộng diện tích lúa lai.

Trong những vụ sản xuất vừa qua, ngành nông nghiệp đã tổ chức sản xuất thử nghiệm 2 giống lúa lai là Nhị ưu 838 và BTE 1. Cả 2 giống lúa đều cho năng suất cao (khoảng 65-70 tạ/ha). Hiện 2 giống lúa này đã được đưa vào cơ cấu giống của ngành nông nghiệp. Để khẳng định được năng suất các giống lúa lai, vụ hè thu vừa qua Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ 40% giống và vật tư, phân bón cho một số nông dân các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức và Bình Sơn sản xuất 40ha lúa lai. Kết quả cho năng suất, vượt trội so với các giống lúa sản xuất đại trà hiện nay. Ông Nguyễn Hữu Tưởng (ở HTX NN 1 Đức Chánh, huyện Mộ Đức) cho biết: Vụ hè thu này, ông đăng ký sản xuất 8 sào, được hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh, nên diện tích lúa sinh trưởng và phát triển tốt, qua thu hoạch năng suất đạt trên 75tạ/ha. Qua nhiều vụ sản xuất, ông Tưởng cho rằng giống lúa lai BTE1 rất phù hợp với điều kiện sản xuất lúa 2 vụ/năm. Tuy nhiên theo một số nông dân thì giá bán các loại giống lúa lai quá cao so với các giống lúa thuần (giá lúa lai hiện nay từ 22.000đồng-49.000đồng/kg, trong khi đó giống lúa thuần chỉ từ 10.000-12.000 đồng/kg).

Qua sản xuất thử nghiệm một số giống lúa lai ở một số tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, Tiến sĩ Lê Quý Tường - Giám đốc Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng và phân bón miền Trung và Tây Nguyên cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi có điều kiện rất tốt để mở rộng diện tích lúa lai. Song so với các tỉnh trong vùng thì diện tích lúa lai của tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn rất thấp, chiếm dưới 5% tổng diện tích sản xuất lúa của toàn tỉnh (diện tích lúa sản xuất toàn tỉnh khoảng 30.000ha/vụ). Mới đây Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng và phân bón miền Trung và Tây Nguyên phối hợp với Công ty cổ phần tập đoàn Điện Bàn và Công ty Bayer Việt Nam, đã đưa 2 giống lúa lai Quốc hương ưu số 5 và H 94017 vào sản xuất thử nghiệm tại xã Bình Dương (Bình Sơn) và một lần nữa, các giống lúa lai đã vượt trội năng suất so với các giống lúa sản xuất đại trà. Do đó vấn đề đặt ra hiện nay là phải quy hoạch các vùng trọng điểm sản xuất lúa lai ở từng địa phương và chủ động sản xuất giống lúa lai tại chỗ, để giảm giá thành cho nông dân.

Bài, ảnh: Quang Huy

3 nhận xét:

Người theo dõi